MỤC LỤC BÀI VIẾT
Sinh bốn nên mừng hay lo?
Thấy người ta sinh đôi, thậm chí sinh ba, sinh tư, nhiều người thường trầm trồ bảo sướng, chỉ cần sinh một lần là “xong nhiệm vụ”. Nhưng thử nghĩ nếu là bạn, khi nghe bác sĩ nói mình sắp có đến bốn đứa con, phản ứng đầu tiên của bạn là gì, vui mừng hay là choáng? Viễn cảnh phải nuôi dạy bốn đứa trẻ cùng lúc có thể khiến bạn thấy ngán ngẩm. Theo những ông bố, bà mẹ từng có kinh nghiệm với chuyện sinh đa thai, lúc này bạn nên bình tĩnh, từ từ sắp xếp mọi thứ để bọn trẻ có thể chào đời trong hoàn cảnh tốt nhất.
Phần lớn các trường hợp đa thai là sinh đôi. Thống kê cho thấy có đến 90% các ca sinh đa thai là sinh đôi, 10% còn lại là sinh ba, sinh tư trở lên. Với sinh tư, dạng phổ biến nhất là do bốn trứng riêng lẻ được bốn tinh trùng khác nhau thụ tinh. Ngoài ra, còn có hàng loạt phép kết hợp khác giữa trứng và tinh trùng. Bởi vậy sinh tư có thể cùng trứng, khác trứng hoặc vừa cùng trứng vừa khác trứng, chẳng hạn như:
- Một trứng đã thụ tinh tách ra thành bốn phôi thai.
- Một trứng đã thụ tinh tách ra thành ba phôi thai và một trứng khác được một tinh trùng khác thụ tinh. Trường hợp này có nghĩa là có ba thai cùng trứng và một thai khác trứng (3+1).
- Trong bốn phôi thai, có hai cặp phôi thai là cùng trứng (2+2), hoặc chỉ một cặp phôi thai cùng trứng, hai phôi kia khác trứng (2+1+1).
Khi chứng kiến tận mắt bốn phôi thai bé nhỏ trên màn hình siêu âm, những ông bố, bà mẹ tương lai thấy sốc cũng là chuyện bình thường. Nhưng nếu họ từng nhờ đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản, họ có thể lường trước khả năng sinh đa thai. Dù hiếm nhưng không phải không có những trường hợp sinh tư tự nhiên.
Sinh đa thai: May hay rủi?
Ở mỗi nền văn hóa khác nhau, người ta đón nhận chuyện sinh đa thai theo những cách khác nhau. Với người Maya, những đứa trẻ sinh đôi là ân điển của Chúa và chúng từ một linh hồn chia tách ra. Với người La Mã, cũng là sinh đôi nhưng chỉ những bé trai mới mang lại may mắn, còn bé gái lại là gánh nặng. Nỗi lo về những món hồi môn cho con gái sau này đã che khuất đi niềm hạnh phúc có được hai cô nhóc dễ thương. Theo thần thoại Hy Lạp và một số nước châu Âu, sinh đa thai có thể là phúc mà cũng có thể là họa mà Thượng đế giáng xuống.
Ở một số nền văn hóa cổ, người ta cho rằng chuyện sinh từ hai đứa trẻ trở lên cùng lúc là bằng chứng tố cáo người phụ nữ đó đã phản bội chồng. Không thể bác bỏ lập luận vô căn cứ trên và chứng minh mình trong sạch, những phụ nữ đáng thương này thường bị bỏ rơi và phải tự lo cho con.
Ngày nay, những kiến thức về khoa học nói chung và sinh học sinh sản nói riêng giúp chúng ta hiểu hơn về chuyện sinh đa thai, không còn xem nó là phúc hay họa nữa. Nhưng cho dù con người có hiểu biết đến đâu, vẫn còn đó những câu chuyện có phần bí ẩn, độc đáo quanh vấn đề sinh đa thai.
Ngày càng hiếm các ca sinh tư
So với những năm 80, 90 của thế kỷ trước, số lượng các ca sinh đa thai có xu hướng giảm đi. Người ta lý giải sự suy giảm này là do những tiến bộ trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Những ngày đầu mới áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, các chuyên gia thường cấy vào cơ thể người mẹ càng nhiều trứng đã thụ tinh càng tốt. Như vậy nhằm tăng khả năng có ít nhất một trứng sẽ phát triển trong tử cung. Nhưng dần dần, khi đã nắm vững kỹ thuật hơn, khả năng thụ thai thành công cao hơn, họ bắt đầu giảm lượng trứng bơm vào cơ thể. Ngoài ra, một số quy định pháp luật mới ban hành cũng giới hạn số lượng phôi thai được phép cấy vào. Đó là lý do vì sao ngày càng hiếm các trường hợp sinh tư.
Trường hợp có thể sinh tư
- Bạn có tiền sử gia đình về sinh đa thai. Nếu bản thân bạn cũng là một đứa bé sinh đôi, sinh ba, hay mẹ, chị bạn từng mang đa thai theo cách tự nhiên, bạn cũng có thể sẽ sinh đa thai như họ. Đó là do những người phụ nữ trong gia đình bạn có cùng gen siêu rụng trứng (nhiều trứng rụng trong cùng một lúc).
- Bạn và bạn đời đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Thuốc kích thích làm trứng rụng hàng loạt khiến khả năng mang đa thai cao hơn.
- Bạn dùng nhiều chế phẩm từ sữa và thường xuyên ăn khoai mỡ, khoai lang.
- Bạn là người gốc Phi, đặc biệt là người Nigeria.
- Bạn đang cho con bú bằng sữa mẹ. Cách này cũng khá đặc biệt bởi thông thường, việc tiết sữa và cho con bú mẹ có thể ngăn rụng trứng, giúp tránh thai tự nhiên.
- Bạn và bạn đời thường xuyên quan hệ vào những ngày rụng trứng.
- Bạn mang thai vào chu kỳ đầu tiên sau khi ngưng dùng thuốc tránh thai. Lúc này, cơ thể bạn đang trong giai đoạn điều chỉnh lại về rụng trứng và kinh nguyệt. Có thể sẽ mất vài tháng để cơ thể bạn trở về chu trình sinh sản bình thường.
- Bạn cao to và béo. Dù là vậy nhưng phụ nữ thừa cân có thể gặp rắc rối do không rụng trứng đều.
- Bạn 35 tuổi trở lên. Điều này lý giải là do đột biến về khả năng sinh sản khi phụ nữ sắp bước vào giai đoạn tiền mãn kinh.
- Bạn từng mang thai nhiều lần. Bạn càng sinh con nhiều lần, trứng càng rụng nhiều, bạn càng có khả năng mang đa thai tự nhiên, trong đó bao gồm cả sinh tư.
Những rủi ro khi sinh tư
Đối với mẹ:
- Sẩy thai một hoặc cả bốn bé. Đa số các trường hợp sẩy thai ở giai đoạn đầu là do bất thường về gen. Ngay cả mang thai đơn, khả năng sẩy thai sớm là 10-25% và tỷ lệ này còn cao hơn đối với mang đa thai.
- Dễ mắc phải các bệnh lý trong thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, nhau tiền đạo, băng huyết trước và sau khi sinh, bệnh thiếu máu.
- Vỡ tử cung và nhau bong non.
- Cần sinh mổ. Với những ca sinh tư, bác sĩ thường đề nghị chủ động mổ thay vì đợi sinh thường nhằm hạn chế áp lực và rủi ro cho cả mẹ và bé.
- Nếu bạn ở vùng nông thôn hoặc quá xa nội thành, khi bước vào tam cá nguyệt thứ hai, chậm nhất là thứ ba, bạn nên chuyển đến sống gần một bệnh viện sản lớn để phòng trường hợp nguy cấp.
- Bạn sẽ gặp hạn chế trong sinh hoạt hàng ngày, công việc, chuyện nhà cửa và chăm sóc con cái (nếu có).
- Dễ bị trầm cảm và các rối loạn tâm lý sau khi sinh. Sẽ tốt hơn nếu bạn có người phụ chăm con, không phải lo chuyện tài chính và quan tâm đến nhu cầu tình cảm.
Đối với bé:
- Các ca mang đa thai thường dễ bị sinh non.
- Tình trạng chậm phát triển trong tử cung và trẻ nhẹ cân. Cân nặng trung bình của các bé sinh tư là khoảng 1,3kg/bé, nhưng cũng có nhiều bé nặng chưa đến 1kg khi chào đời.
- Bại não và vàng da. Có thể bé cần được truyền máu nếu bị tán huyết do máu mẹ và máu con không tương thích, mắc phải chứng thiếu máu và vàng da nghiêm trọng.
- Khó thở, nhiệt độ cơ thể và lượng đường trong máu không ổn định.
- Bé dễ bị các dị tật như thoát vị.
- Bé còn có thể gặp một số vấn đề về thị lực, phát triển kỹ năng vận động, khả năng ngôn ngữ, giao tiếp xã hội và thể hiện tình cảm.
Để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin khác về mẹ và bé, bạn có thể truy cập ngay Huggies để tìm hiểu nhé!