MỤC LỤC BÀI VIẾT
Người trợ sinh cần chuẩn bị những gì?
Được tin tưởng “cho phép” có mặt trong phòng sinh để đón bé yêu chào đời, được hỗ trợ về mặt tâm lý cho sản phụ là một trải nghiệm tuyệt vời. Hành trình này càng tuyệt vời hơn nếu người trợ sinh chính là cha của đứa trẻ.
Tuy vậy, trên thực tế, không phải ai cũng dễ dàng hoàn thành tốt vai trò người trợ sinh. Đặc biệt, đối với những người chưa có kinh nghiệm thì đây quả là một thử thách.
Nhiều người từng đảm nhận vai trò trợ sinh này chia sẻ rằng họ khá lo lắng vì không biết mình cần phải làm gì. Họ sợ mình sẽ lúng túng và hoàn toàn vô dụng trong phòng sinh; tệ hơn, họ sẽ nói hay làm điều gì đó không thích hợp hoặc căng thẳng đến mức ngất xỉu. Chưa kể, họ còn suy nghĩ vẩn vơ rằng sẽ có chuyện không may xảy ra cho sản phụ và đứa trẻ. Thật ra, trạng thái hoang mang, lo lắng cũng là tâm lí chung. Điều cốt lõi bạn cần làm là chia sẻ với người thân, bạn bè hoặc tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ để giải toả những áp lực tâm lí không cần thiết này. Có thể nói, làm người trợ sinh nghĩa là cần phải bỏ qua cảm giác của chính mình.
Bên cạnh đó, sản phụ cũng chính là người giải đáp thoả đáng nhất cho những băn khoăn của bạn. Thông qua tìm hiểu những quyết định, lựa chọn, những dự định cho ca sinh, quan sát sản phụ học cách kiểm soát cơn đau... bạn sẽ đoán định được những chuyển biến của cô ấy trong cơn chuyển dạ. Thật sự chỉ có sản phụ mới hiểu rõ hơn ai hết là cô ấy đang cảm thấy thế nào và mong chờ điều gì nhất. Vậy nên, hãy nói chuyện, từ từ và nhẹ nhàng với cô ấy để tiếp thêm cho cô ấy sức mạnh.
Hiểu rõ những gì cô ấy muốn bạn làm là rất quan trọng – có thể biết phần lớn những điều này từ những dự tính của chính cô ấy cho ca sinh, từ sự hăng hái của cô ấy với những quyết định của mình và với việc.
Ngoài ra, bạn cũng cần tìm hiểu, thu thập nhiều thông tin và kinh nghiệm liên quan đến vai trò trợ sinh của mình. Một khi đã hiểu rõ, chắc chắn bạn sẽ hoàn toàn chủ động trong việc lên kế hoạch hỗ trợ sản phụ.
Tham khảo: Dấu hiệu sắp sinh
Sẵn sàng trợ giúp cho cuộc vượt cạn
Lý tưởng nhất vẫn là các bạn nên cùng nhau tham gia các lớp học tiền sản. Ở đó bạn sẽ được học và thực hành các kỹ năng khác nhau để ứng phó với các đợt co thắt khi lâm bồn. Ngoài ra, bạn cũng nên cùng thai phụ đến gặp bác sĩ sản khoa và trao đổi trước để có chuẩn bị tốt hơn.
Việc bạn không trải qua các cơn co thắt không có nghĩa là bạn không thể hiểu và chia sẻ khó khăn cùng cô ấy được. Nên nhớ rằng, sự hỗ trợ tinh thần của bạn là nguồn động viên to lớn đối với người phụ nữ đang vô cùng yếu đuối.
Tham khảo: Dấu hiệu chuyển dạ
Kế hoạch sinh nở
Rất nhiều thai phụ chuẩn bị sẵn một bản kế hoạch sinh, trong đó liệt kê chi tiết từng mong muốn và quyết định của mình. Tuy nhiên, nếu người mà bạn hỗ trợ không có bản kế hoạch này thì cũng đừng quá lo lắng. Hãy kiên nhẫn ngồi lại bàn bạc cùng cô ấy để đưa ra những quyết định cho một vài hạng mục quan trọng. Bạn cần chú ý đây là thời điểm khá nhạy cảm, yếu đuối của cô ấy nên cái cô ấy cần nhất chính là sự cảm thông, chia sẻ của bạn, chứ không phải là thái độ phản đối, đánh giá hay phê bình.
Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển dạ căng thẳng và đau đớn, sản phụ thường khó diễn đạt được mong muốn của mình. Cô ấy chỉ trông cậy vào bạn. Thế nên, hãy nhớ đảm bảo rằng bạn biết rõ cô ấy muốn sinh thường hay sinh mổ. Chọn sinh thường nghĩa là cô ấy phải tự dựa vào sức mình và người trợ sinh để vượt qua cơn đau, đón đứa bé chào đời. Nếu cô ấy chọn sinh mổ, nghĩa là cô ấy muốn dựa vào bác sĩ, y tá và những can thiệp y tế nhằm kiểm soát cơn đau. Một lần nữa, chúng ta nên nhớ rằng, sản phụ luôn cần được tôn trọng và ủng hộ, dù cho cô ấy có chọn lựa bất kỳ hình thức sinh nào đi chăng nữa.
Tham khảo: Những đồ dùng cần thiết cho trẻ sơ sinh
Ai sẽ có mặt trong lúc sinh?
Sinh nở là một trải nghiệm khá riêng tư và dễ bị chi phối bởi tâm lý của người mẹ. Do vậy, điều quan trọng nhất trong phòng sinh chính là sự thoải mái của sản phụ, đặc biệt là đối với những người có mặt cùng cô ấy. Bạn không nên thúc ép, trách cứ hay cố gắng thuyết phục. Hãy để cô ấy tự do lựa chọn người bạn đồng hành.
Một số việc cơ bản người trợ sinh có thể làm
Quá trình sinh nở được chia ra thành những giai đoạn riêng biệt và mỗi giai đoạn sẽ tồn tại những yêu cầu khác nhau. Tuy nhiên, bạn thường sẽ trải qua những nhiệm vụ cơ bản sau: cùng trò chuyện trong giai đoạn đầu còn khá yên ắng. Sau đó, có thể bạn sẽ phải vận động cơ bắp để giữ người cô ấy thẳng trong suốt các cơn co thắt; hay giúp cô ấy đứng dưới vòi sen, xoa bóp, phục vụ nước uống... Đơn giản hơn, bạn chỉ cần ở đó, im lặng nắm tay, vuốt tóc hoặc vỗ nhẹ vào lưng cô ấy.
Nếu chưa rõ cô ấy đang muốn gì, bạn nên hỏi trực tiếp nhưng không nhất thiết buộc cô ấy trả lời. Tốt nhất hãy cho cô ấy vài lựa chọn và chiều theo cảm xúc của cô ấy.
Vai trò lớn nhất của bạn là hỗ trợ về mặt tinh thần cho cô ấy nên bạn luôn phải giữ bình tĩnh, che giấu sự lo lắng của mình. Tuyệt đối tránh để cô ấy một mình dù là chỉ trong 1 phút. Nên nếu quá căng thẳng, bạn phải yêu cầu hỗ trợ ngay để bạn có khoảng nghỉ ngơi củng cố tinh thần.
Điều gì xảy ra khi sản phụ bắt đầu chuyển dạ?
Khi mới bắt đầu chuyển dạ, các cơn co thắt thường cách nhau từ 5 cho đến 30 phút. Giai đoạn này nhiều phụ nữ vẫn muốn ở nhà. Với vai trò là người hỗ trợ, bạn cần khuyến khích cô ấy nghỉ ngơi; giải toả căng thẳng và nếu có thể, hãy giúp cô ấy thực hiện vài động tác hỗ trợ chuyển dạ như đi dạo loanh quanh, leo vài bậc cầu thang... Trong giai đoạn này, cần tranh thủ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn gian nan sắp đến.
Thêm vào đó, bạn cũng cần nhắc nhở cô ấy lưu ý đến việc ăn uống. Tốt nhất là ăn những món giàu hydrat-cacbon dễ tiêu hóa như chuối, sữa chua không béo, trứng, bánh mỳ, bánh quy lúa mạch, mỳ hay cơm. Nước là thức uống tốt nhất, tránh đồ uống ngọt và có tính axit. Nên đi tiểu thường xuyên để làm rỗng bàng quang ít nhất mỗi giờ một lần.
Ngoài ra, cũng nên tìm trò tiêu khiển để đánh lạc hướng sự lo lắng; cười to có thế giúp sản phụ thoải mái hơn, đồng thời cũng giúp cơ thể sản sinh kích thích tố thúc đẩy việc sinh nở.
Điều gì xảy ra ở giai đoạn vận động chuyển dạ
Trong giai đoạn này, các cơn co thắt cách nhau từ 3 đến 5 phút, càng lúc càng trở nên dữ dội hơn và sẽ kéo dài trong nhiều giờ. Hãy giữ cho sản phụ tập trung vào hơi thở, và cùng thở với cô ấy trong suốt các cơn co thắt.
Vì quá trình sinh kéo dài gây mệt mỏi, nên cả cô ấy và bạn đều cần tranh thủ nghỉ ngơi giữa các cơn co thắt. Nếu thấy cô ấy không tập trung vào hơi thở, bạn cần nhắc nhở, khuyến khích cô ấy tiếp tục tập trung vào việc hít – thở sâu. Sau mỗi cơn co thắt dữ dội, hãy giúp cô ấy ổn định lại và động viên cô ấy chuẩn bị cho đợt tiếp theo.
Chắc chắn sẽ có lúc cô ấy trở nên tuyệt vọng và cảm thấy không còn sức lực để tiếp tục. Khi đó bạn sẽ cần trấn an, giúp cô ấy nhanh chóng lấy lại niềm tin.
Tham khảo: Hiện tượng đau đẻ
Điều gì xảy ra nếu cần can thiệp y tế trong quá trình chuyển dạ và sinh em bé?
Không ai có thể đoán định được điều gì có thể xảy ra nên cần chuẩn bị sẵn tâm lý bắt buộc phải có sự can thiệp y tế. Bạn chính là cầu nối liên lạc, giúp cô ấy đưa ra quyết định trong tình huống bất ngờ nhất.
Vai trò trợ sinh của bạn trong giai đoạn sinh em bé
Sau giai đoạn chuyển dạ là sinh em bé, kéo dài khoảng 1 giờ. Thường các nhân viên hộ sinh sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Tuy nhiên có thể thấy, vai trò chính của bạn trong lúc này là giúp sản phụ chuyển tư thế để cô ấy cảm thấy thật dễ chịu, cũng như không ngừng trấn an cô ấy. Có thể bạn sẽ đảm trách luôn phần việc đón đứa bé khi bé vừa lọt lòng, cắt dây rốn và tiếp tục giúp đỡ trong suốt những giờ đầu tiên bé chào đời.
Tống xuất nhau thai
Sau khi em bé lọt lòng, sản phụ sẽ cần tống hết nhau thai ra ngoài và được chăm sóc hậu sản, như khâu những vết rách hay vết mổ. Phụ nữ thường yếu đuối nhất trong lúc này, vì cô ấy cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Thế nên bạn đừng vội bỏ đi mà hãy ở lại tiếp tục động viên và khen ngợi cô ấy.
Để biết thêm, mời bạn đọc bài Sinh con
Nếu như mẹ vẫn đang có những thắc mắc trong việc phục hồi sức khỏe sau khi sinh thì tham khảo chuyên mục Chăm sóc sau sinh hoặc đừng ngần ngại gửi ngay câu hỏi của mẹ về Góc Chuyên Gia của HUGGIES® để được các bác sĩ giải đáp nhé.
Để bé yêu luôn khoẻ mạnh, mẹ hãy tham khảo chuyên mục Cách chăm sóc bé hoặc tìm hiểu Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ