MỤC LỤC BÀI VIẾT
- Mẹ bầu tuần 16 có những thay đổi gì?
- Những xét nghiệm mẹ cần làm khi mang thai tuần 16
- Một số lời khuyên cho mẹ bầu tuần 16
- Những câu hỏi về thai 16 tuần thường gặp
Giai đoạn bầu 16 tuần, người mẹ bắt đầu cảm nhận những cử động của thai nhi một cách rõ ràng. Đây không chỉ là một trải nghiệm đầy kỳ diệu và mong chờ, mà còn là khoảnh khắc hạt giống tình yêu bắt đầu nảy mầm trong lòng bụng mẹ. Thai nhi tuần thứ 16 cũng bắt đầu lớn lên và hấp thụ nhiều chất dinh dưỡng hơn từ mẹ. Vì vậy, cơ thể mẹ bắt đầu thích ứng với sự phát triển của bé qua từng tuần. Và mẹ luôn sẵn sàng thích nghi và nuôi dưỡng bé mỗi ngày.
>> Tham khảo thêm: Những thay đổi cơ thể và tâm lý khi mang thai
Mẹ bầu tuần 16 có những thay đổi gì?
Những cảm nhận đầu tiên về thai 16 tuần
Thật khó diễn đạt chính xác cảm giác lần đầu tiên bạn cảm nhận được những di chuyển của bé yêu trong bụng mình khi bầu 4 tháng hay lúc mang thai 16 tuần. Nhiều bà bầu cho hay những cử động đầu tiên này giống như một chiếc bong bóng nhỏ đang hân hoan nhảy múa. Những cử động của bé khi mang thai 4 tháng sẽ dễ nhận biết hơn khi bạn nằm hoặc ngồi. Chắc hẳn bạn sẽ mỉm cười khi biết rằng những cử động chòi đạp nhẹ trong bụng là cách bé thông báo cho mẹ biết bé đang khỏe mạnh.
>> Xem thêm: Bảng tăng cân của bà bầu chuẩn theo từng tam cá nguyệt
Bác sĩ Bùi Thị Thu Hà cho hay:
Tuần thứ 16 là một mốc quan trọng để mẹ cảm nhận được thai máy. Nếu là con rạ, mẹ có thể thấy thai máy sớm ở thời điểm 16 tuần. Còn đối vớị con so, mẹ có thể thấy thai máy muộn hơn một chút nhưng thường sau 20 tuần, cả con rạ lẫn con so mẹ đều cảm nhận được bé máy.
Với mẹ có thai lần đầu tiên, đây là một trải nghiệm hết sức tuyệt vời vì mẹ cảm nhận được sự sống của con mình, đảm bảo sinh linh vẫn còn khoẻ mạnh. Cảm giác thai máy đầu tiên thường nhẹ nhàng, không thường xuyên, giống như tôm búng hay một con cá cơm nhỏ lúng búng trong tô nước khiến cho mẹ có một cảm giác vừa bỡ ngỡ, vừa tò mò nhưng cũng đầy hạnh phúc.
Khi thai càng lớn, cảm giác này sẽ rõ ràng, mạnh mẽ hơn và chính mẹ sẽ là người theo dõi thai sát nhất để biết được sức khoẻ của thai mỗi ngày thông qua đếm cử động thai 3 lần/ ngày sau các bữa ăn chính.
Lưu ý rằng sự phát triển của mỗi thai nhi là hoàn toàn khác nhau. Mỗi bà bầu sẽ có cảm nhận riêng về sự phát triển của con mình. Những ngày đầu, bạn thường không chắc chắn về những chuyển động của bé và dễ cho rằng mình đang tưởng tượng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi và bạn sẽ sớm nhận ra những chuyển động đáng yêu này sớm thôi.
Những cảm nhận đầu tiên của mẹ bầu tuần 16 (Nguồn: Sưu tầm)
Việc sử dụng các loại mỹ phẩm với các thành phần hóa chất khiến cho các mẹ bầu cảm thấy không yên tâm lắm. Huggies mời các mẹ xem video “ Kỹ năng chăm sóc da mặt trong thai kỳ” nhé:
Sự thay đổi của cơ thể mẹ bầu 16 tuần
Theo Public Health England, khi thai 16 tuần tuổi, cơ thể mẹ sẽ có những dấu hiệu thay đổi như sau:
- Vào tuần thai thứ 16, bạn nhận thấy đỉnh của tử cung lúc này đã gần tiếp cận với rốn. Sờ vào bụng bạn sẽ chạm được vào đỉnh tử cung. Khi khám thai, bác sĩ sẽ đo chiều cao tử cung để kiểm tra và so sánh sự phát triển của bé với những lần khám thai trước đó.
- Mang thai tháng thứ 4, tử cung của bạn có kích thước bằng một quả dưa lưới nhỏ, vì vậy bụng dưới sẽ nặng hơn và chèn lên khung chậu.
- Nếu bạn tăng lên vài cân, các vết rạn da ở vùng bụng, háng và vú bắt đầu xuất hiện. Da bạn sẽ khô hơn vì vậy bạn nên dùng sữa dưỡng thể để dưỡng cho da mềm mại hơn. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ trước khi tốn tiền cho các loại kem chống rạn quảng cáo rộng rãi trên thị trường. Hầu hết phụ nữ mang thai đều phải trải qua tình trạng này và không có cách nào thật sự hiệu quả để ngăn chặn nó diễn ra.
- Mang thai tháng thứ 4 cũng là thời điểm mà hầu hết các thai phụ đều bắt đầu ngáy nhiều đến mức kinh khủng. Nguyên nhân là do mũi bị nghẹt. Để ngủ tốt hơn, bạn không nên cố nằm ngửa hay nằm sấp. Nằm ngủ nghiêng 1 bên và đặt một cái gối dưới chân sẽ giúp bạn dễ chịu và cũng giúp cho máu đến thai nhi được dễ dàng, tình trạng ngủ ngáy sẽ giảm bớt. Nếu mũi bạn bị khô, thuốc xịt thông mũi với công dụng hóa lỏng các chất nhầy, đồng thời giúp làm ẩm và thông mũi sẽ hữu ích cho bạn.
- Thai nhi 16 tuần tuổi của bạn phát triển rất nhanh, bạn có thể dễ bị đói bụng. Bạn nên chuẩn bị một số thức ăn nhẹ tốt cho sức khỏe trong tủ lạnh và ngăn chứa thực phẩm để có thể dùng khi cần. Tìm mua những thực phẩm có hàm lượng đường thấp để thỏa mãn cơn đói bụng của bạn mà vẫn không làm bạn tăng cân quá nhiều.
- Tim bạn phải làm việc tích cực hơn gấp 50% bình thường để bơm máu đi khắp cơ thể. Hầu hết các mẹ đều trải qua cảm giác này. Nếu tim bạn đập thình thịch sau khi tập thể dục hoặc leo lên cầu thang thì bạn nhớ giảm tốc độ, vận động chậm và nhẹ nhàng để cho cơ thể bắt nhịp từ từ, tránh trường hợp dừng đột ngột. Triệu chứng này có thể kéo dài suốt thai kỳ, tuy nhiên bạn đừng lo lắng nhé vì trái tim bạn sẽ trở lại trạng thái bình thường sau khi sinh bé. Nếu bạn hút thuốc lá thì thời điểm này chính là lúc đấu tranh tư tưởng để bỏ nó. Vì con và vì chính bạn nữa, hãy thay thế thuốc lá bằng các món khác bổ dưỡng hơn như sữa chua không béo, hỗn hợp nước trái cây tươi.
>> Tham khảo thêm: Những thay đổi cơ thể mẹ trong quá trình mang thai
Những thay đổi về cơ thể của mẹ bầu khi thai nhi được 16 tuần tuổi (Nguồn: Sưu tầm)
Những thay đổi về cảm xúc khi mang thai 4 tháng
- Nếu có chút bất an về quá trình mang thai trước đây thì có lẽ bạn sẽ thấy dễ chịu hơn vào giai đoạn thai nhi tuần 16. Bạn sẽ cảm nhận rõ những cử động của con bạn. Nhiều thai phụ cho rằng họ cảm nhận được sợi dây liên kết vô hình giữa họ và con, một mối liên hệ đặc biệt chưa từng có trước đó khi mang thai tháng thứ 4. Vì vậy, họ muốn giữ bí mật về những cử động của con cho riêng mình. Điều này cũng dễ hiểu. Tuy vậy, bạn nên chia sẻ những thông tin thú vị đó với ông xã để cả hai cùng cảm nhận được niềm vui sắp được làm cha mẹ.
- Khi thai 16 tuần, bạn cũng nên bắt đầu nghĩ đến những kế hoạch chuẩn bị cho ngày sinh bé. Bụng của bạn ngày càng to và nặng hơn vì bé đang di chuyển xuống dưới. Hãy cùng người thân bắt đầu lên kế hoạch để chuẩn bị tốt nhất cho việc bé chào đời.
- Tử cung của bạn trở nên chật chội vì nó chứa cả bé, nước ối, bánh nhau, màng nhầy và dây rốn, chưa kể đến không gian cho bé cử động khi bé cuộn tròn, búng, lật, uốn lưng, co, duỗi chân tay. Nhưng bạn đừng lo, thật may, tử cung của chúng ta được thiết kế đặc biệt để có thể co giãn và lớn lên nhiều lần so với kích thước và hình dạng gốc sao cho phù hợp với bé.
- Bé bắt đầu biết mút ngón tay. Siêu âm ở tuần thứ 16 cho thấy nhiều bé đã biết cho tay vào miệng ngậm và rất thích thú với hành động này. Một số bé sinh ra với những vết phồng da trên các ngón tay.
- Cơ thể bé tăng trưởng rất đáng kể. Bộ xương dần chuyển từ sụn dẻo thành xương cứng, điều này có nghĩa là con bạn đang phát triển tốt. Đó là lý do bạn cần bổ sung canxi và có một chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp bạn và thai nhi khỏe mạnh. Dù không có thói quen uống sữa, bạn cũng nên dùng thêm một số thực phẩm giàu canxi như các loại đậu, đậu nành, đậu hũ, nước cam, phô mai, sữa chua, bánh trứng, kem, xương cá mòi, cá ngừ và hạnh nhân. Những loại rau lá xanh đậm chứa nhiều canxi, giúp tạo cơ, xương và tạo máu cũng rất có ích, bạn nên dùng hàng ngày.
>> Tham khảo thêm:
>> Mẹ có thể tham khảo thêm các bài viết khác của Huggies để biết được sự thay đổi khác nhau của cơ thể qua mỗi tuần:
Sự thay đổi của bà bầu tuần 15 | Sự thay đổi của bà bầu tuần 20 |
Sự thay đổi của bà bầu tuần 17 |
Những xét nghiệm mẹ cần làm khi mang thai tuần 16
Nếu 3 tháng đầu chưa sàng lọc double test thì khi mang thai tuần 16, mẹ nên làm xét nghiệm sàng lọc triple test. Triple test giúp ước đoán khả năng mắc các rối loạn di truyền của thai nhi thông qua xét nghiệm nồng độ một chất trong máu. Mặc dù mẹ có thể làm xét nghiệm này từ tuần 14 đến 22 của thai kỳ nhưng kết quả chính xác nhất nằm từ tuần 16 đến 18.
Do 3 tháng giữa là giai đoạn mà thai nhi phát triển nên mẹ sẽ cần siêu âm 4D để tầm soát dị tật thai nhi toàn diện. Bên cạnh đó, việc tầm soát tiểu đường thai kỳ cũng cần thiết vì đây là bệnh có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm cho mẹ và bé.
Mẹ cần theo dõi và kiểm soát cân nặng của bản thân cũng như cần tìm hiểu các dấu hiệu dọa sinh sớm để điều trị giữ thai kịp thời.
>> Xem thêm:
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh
- Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: quy trình, khi nào, chi phí?
- Xét nghiệm NIPT là gì? Sàng lọc những bệnh nào?
Những xét nghiệm mẹ bầu 16 tuần nên làm (Nguồn: Sưu tầm)
Một số lời khuyên cho mẹ bầu tuần 16
Ngăn ngừa suy tĩnh mạch
- Suy tĩnh mạch là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai do sự gia tăng áp lực lên các mạch máu dưới da.
- Để ngăn ngừa suy tĩnh mạch, mẹ bầu nên thay đổi tư thế thường xuyên khi ngồi hoặc nằm. Mẹ bầu không nên giữ cùng một tư thế quá lâu.
- Khi nằm, hãy sử dụng gối để kê cao chân nhằm giúp tuần hoàn máu tốt hơn.
Thực hiện xét nghiệm Quad test
- Quad test là một xét nghiệm quan trọng giúp đánh giá nguy cơ dị tật cho thai nhi.
- Nếu chưa làm xét nghiệm Double test trong quý 1. Quad test là lựa chọn phù hợp từ tuần 14 đến 22 của thai kỳ.
- Kết quả thu được trong khoảng thời gian từ tuần 16 đến 18 thường có độ chính xác cao hơn.
>> Tham khảo thêm:
Chú ý trong chế độ ăn uống:
- Bà bầu thường có cảm giác kém ăn hoặc thèm ăn các loại thực phẩm đặc biệt.
- Khi ăn ngoài, nên chú ý yêu cầu về cách chế biến món ăn để đảm bảo an toàn và phù hợp với sở thích ăn uống của bà bầu.
- Điều chỉnh lượng thức ăn nạp vào sao cho vừa đủ, tránh ăn quá nhiều để tránh gây khó tiêu và chướng bụng.
>> Xem thêm:
- Các loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn để con thông minh
- Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng giữa thai kỳ
Bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ:
- Lựa chọn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như trái cây, rau xanh, ngũ cốc, thịt nạc, trứng và sữa chưa.
- Đảm bảo cung cấp đủ lượng protein, canxi, axit folic và các dưỡng chất khác quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.
- Nếu không quen ăn các loại thực phẩm này, có thể kết hợp chúng với các món ăn quen thuộc để tăng sự đa dạng và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.
Lưu ý dành cho mẹ mang thai 16 tuần (Nguồn: Sưu tầm)
Những câu hỏi về thai 16 tuần thường gặp
1. Mang thai tuần 16 bụng mẹ đã to chưa?
Khi thai nhi 16 tuần tuổi, bụng mẹ bắt đầu to lên một cách nhanh chóng. Lúc này, phần lưng dưới của mẹ sẽ bị cong để cân bằng cơ thể dẫn đến căng cơ lưng và đau lưng. Để giảm thiểu tình trạng đau lưng. Mẹ nên massage phần bụng và lưng dưới để giãn cơ lưng.
Mẹ cũng có thể tham khảo thêm hình ảnh kích thước bụng bầu qua từng tháng trong bảng dưới đây:
2. Thai 16 tuần gò cứng bụng có nguy hiểm không?
Gò cứng bụng hay còn gọi là gò sinh lý “Braxton – Hicks” thường xuất hiện khi mẹ đến tháng thứ 4 của thai kỳ. Những cơn gò này đến một cách ngẫu nhiên, không theo chu kỳ. Đây là biểu hiện sinh lý bình thường cho thấy cơ thể mẹ đang luyện tập để chuẩn bị cho quá trình sinh nở.
Bài viết trên đã cung cấp cho mẹ bầu 16 tuần đầy đủ những thông tin cần thiết trong hành trình mang thai của mình. Việc chuẩn bị kế hoạch cho ngày sinh và chăm sóc sức khỏe mẹ và bé là rất quan trọng. Vì vậy, việc tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển của bé và duy trì sức khỏe của mẹ là ưu tiên hàng đầu. Chúc mẹ và bé luôn khỏe mạnh và hạnh phúc trong quãng thời gian mang thai này.
Xem thêm thông tin liên quan ở mục Mang thai hoặc Thai nhi theo tuần. Ngoài ra mẹ có thể đặt câu hỏi qua Góc chuyên gia của Huggies để được giải đáp một cách nhanh nhất.
>> Nguồn tham khảo:
- Baby and You at 16 Weeks Pregnant: Symptoms & Development | The Bump
- Your pregnancy at 16 weeks | Medical News Today
- Your Pregnancy Week by Week: Weeks 13-16 | WebMD
>> Mẹ cũng có thể tham khảo thêm các bài viết khác của Huggies được tư vấn bởi bác sĩ Bùi Thị Thu Hà: