Hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, gọi tắt là IUGR, xảy ra ở khoảng 3-5% trường hợp mang thai. Đây là tình trạng thai chậm phát triển hay sự tăng trưởng của thai nhi bị hạn chế, do đó em bé sẽ nhỏ hơn so với bình thường. Theo định nghĩa, một em bé bị mắc chứng IUGR sẽ có cân nặng khi sinh nằm dưới đường 5 phần trăm trên biểu đồ trọng lượng của lứa tuổi này. IUGR còn có các tên gọi khác như là Nhỏ so với Tuổi Thai (SGA), Suy dinh dưỡng Thai nhi, hoặc Suy Nhau Thai.
Tham khảo: Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Một trong những mục tiêu của việc thăm khám tiền sản thông thường là để đánh giá xem thai nhi có đang phát triển bình thường hay không. Thông thường thì kích thước vòng bụng của người mẹ sẽ phát triển tương đương và do vậy được so sánh với số tuần mang thai. Mặc dù kích thước này ở mỗi bà bầu là khác nhau, nhưng vẫn có những dấu hiệu tiêu chuẩn cho biết em bé đang phát triển ở bên trong. Ví dụ, vào cuối giai đoạn đầu, ở tuần 12, tử cung của người mẹ thông thường sẽ phát triển đến vùng xương mu, và khi thai 20 tuần thì phần trên cùng của tử cung, hay còn gọi là đáy tử cung, sẽ cao ngang rốn của người mẹ.
Tham khảo: Lịch khám thai 3 tháng cuối
Các yếu tố nguy cơ hạn chế tăng trưởng
- Các bà mẹ không được trang bị về kiến thức tiền sản, có chế độ ăn uống không đầy đủ, và thường là thuộc các nhóm có thu nhập thấp trong xã hội.(Tham khảo: Chế độ ăn cho bà bầu)
- Các bà mẹ đã từng có con bị mắc IUGR.
- Hút thuốc lá, sử dụng ma túy và uống rượu. (Tham khảo: Những điều kiêng kỵ khi mang thai)
- Những em bé có bất thường về nhiễm sắc thể như hội chứng Down, hội chứng Turner hoặc sự bất thường của một trong các cơ quan chính.
- Những em bé đã bị mắc một chứng bệnh truyền nhiễm như rubella, nhiễm khuẩn toxoplasma hoặc virus cự bào ngay từ trong bụng mẹ.
- Các bà mẹ bản thân vốn không được khỏe, hoặc những người đã từng bị các biến chứng thai kỳ khác.
- Các bà mẹ bị huyết áp cao hoặc tiền sản giật.
- Khi có tình trạng thai chậm phát triển, suy nhau thai do nhau thai bất thường hoặc do nhau tiền đạo.
- IUGR thường phổ biến hơn ở những trường hợp mang song thai, đặc biệt là song thai cùng trứng. (Tham khảo: Sự phát triển của song thai)
- Các bà mẹ đang có bầu con so (con đầu tiên). Hoặc, bà mẹ đang mang thai đứa thứ năm, hoặc sau nữa.
- Yếu tố di truyền cũng đóng một vai trò: bà mẹ bản thân bị nhỏ lúc mới sinh, kết hợp với người chồng cũng ở trường hợp tương tự, sẽ có xu hướng sinh ra những đứa trẻ bị suy dinh dưỡng.
Những trường hợp khác nhau của bệnh IUGR
Chậm tăng trưởng đối xứng thường diễn ra vào đầu thai kỳ, khi cả đầu và cơ thể thai nhi đều bị nhỏ. Chậm tăng trưởng đối xứng về cơ bản nghĩa là có sự thấp còi tổng thể trong sự tăng trưởng của thai nhi. Trường hợp thai chậm phát triển xảy ra khi bào thai bị nhiễm trùng, hoặc bị phơi nhiễm các chất độc hại như nicotine (có trong thuốc lá), ma túy hay rượu.
Chậm tăng trưởng không đối xứng diễn ra ở giai đoạn sau 20 tuần khi nhau thai không làm việc hiệu quả như bình thường nữa. Nó diễn ra khi người mẹ bị tiền sản giật, mang đa thai, và khi thai nhi có một sự bất thường nào đó. Ít hay nhiều, nó diễn ra như là một cơ chế để bảo vệ não và tim em bé, giúp chúng tiếp tục phát triển. Các cơ quan này được ưu tiên bởi vì chúng có ý nghĩa thiết yếu cho sự sống còn của em bé. Để làm điều này thì phần còn lại của cơ thể thai nhi phải trả giá, vì lượng chất béo tích lũy cho cơ thể đã bị sử dụng hết. Các em bé mắc chứng chậm tăng trưởng không đối xứng khi sinh ra rất gầy gò và trông như một “ông già nhỏ”, với gương mặt lúc nào cũng có vẻ như đang rất lo lắng, và như đang bị đói.
Tham khảo: Sự phát triển thai nhi theo tuần
Làm thế nào để chẩn đoán hội chứng thai chậm tăng trưởng trong tử cung?
Khi các bà bầu đi khám thai định kỳ thì sẽ được kiểm tra sự phát triển của tử cung bằng cách sờ nắn bụng. Cách này sẽ giúp bác sĩ có được những thông tin hợp lý về việc em bé có đang phát triển bình thường hay không. Chiều cao tử cung, nghĩa là đo từ phần trên cùng của tử cung cho đến khớp nối các xương mu, khi đem so sánh với số tuần thai sẽ cho biết được thai nhi có đang phát triển bình thường hay không.
Cách chính xác nhất để chẩn đoán IUGR là bằng phương pháp siêu âm. Ngay cả khi người mẹ rất chắc chắn về ngày hành kinh và ngày thụ thai của mình, thì siêu âm vẫn là cách để có kết quả toàn diện và chính xác nhất về sự phát triển cũng như kích cỡ của thai nhi. Hình ảnh siêu âm của thai nhi qua từng giai đoạn mang thai của người mẹ sẽ được đem ra so sánh để thấy rõ được sự tăng trưởng về kích thước của em bé. Các thông số tăng trưởng được kiểm tra bao gồm:
- Chu vi vòng đầu.
- Chiều dài xương đùi (từ hông đến đầu gối).
- Chu vi vòng bụng .
- Lượng máu chảy từ nhau thai qua dây rốn.
Điều trị/Kiểm soát chứng IUGR
Việc điều trị thường dựa trên việc giám sát chặt chẽ để đảm bảo thai nhi không bị thương tổn. Siêu âm thường xuyên, theo dõi em bé, khám tiền sản định kỳ cho người mẹ, và thường xuyên cân đo là những cách thức tiêu chuẩn để kiếm soát tình hình. Khi các bác sĩ và chuyên gia y tế cho rằng em bé nên được ra ngoài hơn là tiếp tục ở lại trong tử cung của mẹ, thì sẽ cần phải tiến hành giục sinh, hoặc mổ lấy thai. Khi đó, rõ ràng phải cân nhắc hết sức cẩn thận giữa những điều được và mất, vì trẻ sinh non thường có một số rắc rối đi kèm.
Tăng cường nghỉ ngơi, xin tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng, hạn chế căng thẳng, và cố gắng giữ tâm trạng bình tĩnh, thoải mái, tất cả đều có thể giúp ích. Tuy nhiên, tiếc là những điều này sẽ không đảm bảo có thể thay đổi tình hình. Đôi khi, giải pháp duy nhất là tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ và thai nhi thật cẩn thận cho đến khi thai kỳ đã qua một giai đoạn an toàn thích hợp, khi em bé có thể sống được, thì sẽ tổ chức mổ lấy thai. Em bé mắc chứng IUGR sẽ rất dễ bị căng thẳng và kiệt sức, đó là lý do vì sao phương pháp sinh thường thường không được chọn.
Tham khảo: Chế độ dinh dưỡng cho bà bầu
Những rủi ro đối với em bé mắc chứng IUGR
- Nhiều khả năng bị kiệt sức trong quá trình mẹ chuyển dạ và không thể tự thở khi ra ngoài.
- Có thể gặp khó khăn trong việc duy trì thân nhiệt do cơ thể chưa trưởng thành và chưa tích lũy đủ lượng chất béo cần thiết.
- Có thể là em bé rất háu ăn, cả khi ngay sau khi sinh.
- Có thể có vấn đề về đường huyết và cần được theo dõi, chăm sóc đặc biệt.
- Các em bé mắc chứng IUGR dễ bị nhiễm trùng hơn, không được khỏe, đơn giản chỉ vì chúng không mạnh mẽ bằng những đứa trẻ sinh ra với kích thước bình thường.
Tuy nhiên, tin mừng đây rồi
Các em bé mắc IUGR sẽ vẫn có thể phát triển rất tốt, miễn là chúng không bị gì bất thường, ngoài việc sinh ra bé nhỏ thì mọi thứ vẫn bình thường và khỏe mạnh. Hãy cho bé bú thường xuyên, theo dõi lượng dinh dưỡng nạp vào và đều đặn cân đo sẽ giúp bé dần lấy lại trọng lượng bình thường. Lý tưởng nhất là cho bé bú mẹ càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Sữa non là thức ăn hoàn hảo cho trẻ sơ sinh vì nó giàu calo, béo và kháng thể để chống nhiễm trùng. Các bà mẹ có con bị IUGR cần chấp nhận việc phải cho bé bú thường xuyên liên tục trong vài tuần, cho bú theo nhu cầu đòi hỏi của bé chứ không theo giờ giấc định sẵn, cho đến khi em bé đuổi kịp các tiêu chuẩn về thể trạng bình thường.
Thăm khám đều đặn cho bé cũng hết sức quan trọng. Trẻ sinh ra với IUGR cần phải được thường xuyên cân đo, và ghi lại trên biểu đồ tăng trưởng để theo dõi. Những bé nào có dấu hiệu đi xuống trên biểu đồ tăng trưởng của mình thì cần phải được các bác sĩ chuyên khoa theo dõi và tư vấn chặt chẽ.