MỤC LỤC BÀI VIẾT
Bé 23 tháng tuổi đã nói nhiều hơn, đã cao lên nhiều, khó mà ngồi yên được lâu và có thể đã biết bày những trò láu lỉnh. Vậy làm thết nào để giúp bé phát triển toàn diện? Ba mẹ hãy cùng Huggies tìm hiểu trong bài viết sau đây về những điều ba mẹ cần biết để chăm sóc bé giúp bé yêu phát triển thể chất và tinh thần toàn diện, cả nhà đều vui.
Sự phát triển của bé về thể chất và trí tuệ
Giờ đây bé 23 tháng tuổi đã đạt một nửa chiều cao khi trưởng thành của mình. Trong tháng này, bé sẽ có cân nặng trong khoảng 10.6 - 13.4kg đối với bé trai và 9.9 - 12.8kg đối với bé gái. Về mặt chiều cao, bé trai 23 tháng tuổi cao tầm 81.3 - 86.9kg và bé gái cao tầm 79.2 - 91.9cm
Xương bé phát triển liên tục, vì thế mẹ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ nhé. Mẹ cũng đừng lo nếu thấy đã 23 tháng tuổi mà chân bé vẫn hơi vòng kiềng. Ở phần lớn trẻ em, đôi chân sẽ thẳng dần ra trong khoảng từ 18 tháng đến 2 tuổi, nhưng phải đến 7 tuổi thì mới ổn định hoàn toàn.
Tham khảo: Bảng cân nặng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trong giai đoạn bé 23 tháng, sự phát triển thể chất của con được biểu hiện qua việc:
- Con có thể leo lên và xuống cầu thang với sự giúp đỡ của người lớn
- Con có thể cúi xuống nhặt đồ vật và nâng đồ vật lên với cơ lưng, cơ chân, tay ngày càng khỏe
- Con có thể sử dụng khéo léo bàn tay để xoay tay nắm cửa hay tự cầm muỗng, thìa xúc ăn
- Con có thể tự mặc, tự cởi quần áo, giày dép
- Con có thể đi nhón gót chân, và giữ thăng bằng tốt hơn
Cả kỹ năng vận động thô và vận động tinh ở trẻ 23 tháng tuổi đã tiến bộ vượt bậc và trở nên linh hoạt, khéo léo hơn. Với bản tính hiếu động, vận động nhiều của bé trong giai đoạn này, mẹ hãy chú ý kiểm tra xem giày còn vừa với chân con không để tránh làm bé bị đau chân. Giày có quai hậu thì dễ điều chỉnh hơn là ủng và giày bít. Khi mua giày mới cho con, bạn đừng chọn loại đế cứng, vì đế giày mềm sẽ giúp bàn chân bé thoải mái hơn.
Ngoài ra, nên chọn giày có phần bao trọn gót chân, quai điều chỉnh được, làm bằng chất liệu tự nhiên và thoáng khí. Mẹ có thể mua giày “trừ hao”, mũi giày dài hơn 1-2 cm so với đầu ngón chân con. Tuy nhiên, cần nhớ rằng cách tiết kiệm này cũng có rủi ro, vì trẻ có thể bị vấp nếu mũi giày dài quá.
Sự phát triển nhận thức và cảm xúc của bé 23 tháng tuổi
Bé yêu giờ đây đã gần 2 tuổi, đây là giai đoạn bé bắt đầu thể hiện một chút chống đối, khiến ba mẹ đôi khi thắc mắc không biết mình đã sai chỗ nào. Trẻ độ tuổi này thường dễ nổi cáu như thể đang thử mức độ kiên nhẫn của ba mẹ vậy. Trẻ dễ đột ngột thấy khó chịu khổ sở, nhưng ngay lập tức lại bình thường. Vì thế, mẹ đừng để tâm lý của mình bị ảnh hưởng. Bé cần mẹ hỗ trợ để điều chỉnh cảm xúc và hiểu được thế giới xung quanh. Khi mẹ nhẹ nhàng vỗ về và an ủi, bé sẽ hiểu rằng ba mẹ luôn ở bên để nâng đỡ trong mọi tình huống cảm xúc của bé.
Tháng này bé thường chơi các trò tưởng tượng hơn và nói được nhiều hơn. Bé có thể sắp xếp vài từ với nhau và diễn đạt được tốt hơn. Có lúc bé thật sự trò chuyện với mẹ và hiểu được những khái niệm đơn giản. 23 tháng tuổi, bé đã hiểu thêm nhiều điều và đôi khi còn hơn mức mẹ tưởng. Mẹ có thể sẽ kinh ngạc trước khả năng lĩnh hội và trí nhớ của bé.
Đây thật sự là tuổi khám phá và phiêu lưu, nghĩa là bé yêu của mẹ chắc chắn sẽ có những trò láu lỉnh. Vì vậy mẹ hãy cẩn thận trong lời nói, chẳng hạn nên dùng ngôn ngữ tích cực như “con đặt cốc xuống nhẹ nhàng thôi” thay vì tiêu cực như “con đừng dằn cốc ầm ầm thế”. Dĩ nhiên, có lúc mẹ thấy dạy con dễ như bỡn, nhưng có lúc dường như bất lực. Nhưng nuôi dạy con là câu chuyện cả đời, đâu phải một sớm một chiều, phải không nào? Vì vậy, hãy kiên nhẫn mẹ nhé.
Buổi sáng, bé yêu vừa thức dậy đã đánh động ba mẹ, vì thế mẹ chẳng thể nào ngủ nướng! Bé dụi đầu vào ngực mẹ, mong được mẹ ôm ấp nựng nịu. Người bé còn ấm áp thật dễ thương. Nếu có thời gian, mẹ hãy tận hưởng phút giây êm ái này, trò chuyện với con yêu - hôm nay con muốn làm gì, con mong ước điều gì, thích mẹ làm món gì ăn bữa sáng?...để gắn kết với bé hơn.
Chơi đùa và tương tác
Nếu điều kiện cho phép, mẹ hãy cho bé 23 tháng tuổi các đồ chơi làm bằng nhiều chất liệu khác nhau. Ngoài đồ nhựa, khi chơi các đồ chơi bằng gỗ và các vật liệu tự nhiên được thiết kế đơn giản, bé sẽ có những cảm nhận khác nhau. Mẹ hãy khuyến khích khả năng sáng tạo của con, cho con chơi những thứ từ thiên nhiên như vỏ hạt, lá cây, cọng cỏ, kể cả lông chim. Bé cần ba mẹ cho phép chơi các thứ khác lạ, vì vậy mẹ hãy khuyến khích để bé yêu có thể bắt đầu các cuộc khám phá tự nhiên nho nhỏ nhé.
Mẹ hãy tìm những trò chơi vừa có tính chất tương tác vừa có thể chơi một mình. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng các bé đã bắt đầu biết cách làm cho mình vui và vận động trí não. Nếu bé có anh hoặc chị, chắc chắn chúng sẽ chơi đùa với nhau. Nhưng nếu bé là con một thì ba mẹ cần liên tục khích lệ bé tự bắt đầu chơi, từ đó bé sẽ học được các kỹ năng.
Giấc ngủ của bé 23 tháng tuổi
Trong thời gian này, con của mẹ sẽ cần ngủ từ 13 – 14 giờ/ngày. Trong đó, con sẽ ngủ trưa trong 1,5 - 3 giờ, ngủ đêm trọn giấc trong 11 – 12 giờ.
Mẹ biết không, mỗi bé sẽ đều có nhu cầu về thời gian ngủ khác nhau. Vì vậy, mẹ hãy tạo điều kiện để con được ngon giấc, không cần can thiệp hay lo lắng quá sâu về việc con có thể thức giấc 1 - 2 lần vào giữa đêm, mẹ nhé. Bên cạnh đó, mẹ cũng nên tạo cho con thói quen ngủ vào khung giờ cố định, tránh tình trạng thức khuya, dễ khiến con bồn chồn và dễ cáu gắt.
Tham khảo: Giấc ngủ của trẻ
Bé 23 tháng tuổi cần chế độ ăn ra sao?
Mẹ vẫn phải dỗ dành để con ngồi yên trong ghế ngồi ăn cho bé. Tuy nhiên, bé chỉ chịu ngồi được một lúc, vì vậy tránh bắt bé đợi quá lâu trước khi cho ăn. Nếu bé chưa thấy đói mà chỉ muốn nghịch thức ăn, thì bạn đừng ép bé ăn nhé. Hãy gắng đừng lo lắng chuyện bé ăn nhiều hay ít từng bữa, mà chỉ nên chú ý toàn bộ lượng dinh dưỡng cho bé trong cả 1-2 ngày.
Các chuyên gia nhi khoa khuyến cáo trẻ 23 tháng, đang trong giai đoạn phát triển nên nhu cầu về khẩu phần ăn và dinh dưỡng cũng tăng theo. Cụ thể, các con nên được ăn 3 bữa chính + 2 bữa phụ trong ngày và phải đảm bảo đủ các nhóm chất cơ bản như: tinh bột đường – đạm – béo – chất xơ.
- Khoảng ¾ – 1 chén trái cây và rau quả
- ¼ chén ngũ cốc, tinh bột đường
- 3 thìa (muỗng) canh đạm (thịt, cá)
- Sữa hoặc các chế phẩm từ sữa (sữa chua, sữa tươi, phô mai,...)
Tham khảo: Các món ăn dinh dưỡng cho bé
Đôi khi trẻ ăn ít, lúc lại ăn nhiều, lắm lúc trẻ biếng ăn là chuyện bình thường. Nhưng lúc khác bé sẽ tự ăn bù lại, ăn đến nỗi tưởng chừng không biết no. Mẹ chỉ nên cho bé chọn những thực phẩm lành mạnh, giúp cơ thể phát triển tốt. Mẹ lưu ý đừng ép con ăn nếu con cảm thấy không ngon miệng hoặc quá no, mẹ nhé. Việc bắt con tiêu hóa một khẩu phần dinh dưỡng, tất nhiên là lý tưởng, nhưng nếu mang tính cưỡng ép, có thể gây nhiều tác động tiêu cực đến thói quen ăn uống của con sau này. Quan trọng không phải là lượng, mà là "chất", mẹ hãy chọn những thực phẩm lành mạnh, mang dinh dưỡng cao, mẹ nhé. À lưu ý quan trọng cho mẹ là mẹ đừng quên kiểm tra thành phần dinh dưỡng để tránh phản ứng dị ứng con sẽ gặp phải hoặc nhiệt độ thức ăn (quá nóng, quá lạnh), cũng như độ tươi và hạn sử dụng của từng loại thực phẩm, mẹ nhé!
Nếu bé yêu 23 tháng tuổi không thích uống sữa cho lắm, hãy cho bé chọn những sản phẩm tương tự như sữa chua, pho-mát, mayonnaise,..., để bảo đảm nguồn dinh dưỡng can-xi và phốt-pho. Mẹ có thể trộn thêm pho-mát vào các món rau củ, trộn bơ vào thức ăn, hay phết một lớp bơ trên mấy chiếc bánh bích-quy. Các loại cá có xương mềm và rau lá xanh cũng chứa nhiều can-xi.
Tham khảo: Làm gì khi trẻ biếng ăn
Cách để bé yêu mạnh khỏe
Mẹ nhớ không để chung khăn tắm và vật dụng tắm giặt của bé 23 tháng tuổi với đồ của gia đình nhé, và bày cho bé nhận biết đâu là của mình. Mẹ hãy chỉ cho con bàn chải đánh răng của bé bằng cách phân biệt màu sắc. Người lớn đừng dùng chung gối và khăn trải giường hãy những thứ tương tự của bé, để tránh bé bị lây nhiễm bệnh khi ai đó trong nhà bị ốm.
Nếu bé vừa ốm dậy, mẹ nên thay mới bàn chải đánh răng cho bé, thay khăn trải giường và rửa sạch hoặc giặt bất kỳ đồ chơi nào trước đó bé có thể chạm đến. Nếu bé đang uống kháng sinh thì nhất thiết phải tiếp tục dùng cho đến hết liều, nếu không bệnh có thể tái phát. Nhớ bảo đảm trong nhà bao giờ cũng có thuốc Paracetamol, loại có liều lượng hợp với tuổi và cân nặng của bé, để tránh phải cuống cuồng đi tìm hiệu thuốc giữa đêm hôm khuya khoắt.
Nếu con đang tập sử dụng toilet, hãy bày cho bé xả bồn toilet và sau đó rửa tay bằng xà phòng.
Một số lời khuyên cho mẹ
- Hãy cho bé chơi những trò chơi đòi hỏi xếp những vật tương tự nhau thành nhóm. Kỹ năng nhận biết các đặc điểm tương tự của bé sẽ tăng lên theo thời gian và mức độ tập luyện.
- Mỗi ngày qua, hãy luôn chuyện trò, hát hò và cười đùa với bé yêu của mẹ. Mẹ hãy thoải mái và đừng quan trọng hóa mọi việc nhé. Bé yêu không quan tâm nhà cửa sạch sẽ hay đồ vật gọn gàng, mà là mẹ có vui vẻ và thích thú khi bé ở bên cạnh hay không.
- Nếu con đã đi nhà trẻ, mẹ hãy tìm cách sắp xếp công việc để tránh phải hối hả đầu mỗi buổi sáng, như chuẩn bị áo quần cho bé từ đêm trước, mua nồi nấu chậm hay các thiết bị, dụng cụ phục vụ tiện lợi cho các nhu cầu của bé.
- Hãy giới thiệu bé với các bạn bè và người quen của ba mẹ mỗi khi gặp mặt. Giờ đây người lớn khó lòng nói chuyện với nhau mà không bị cắt ngang nửa chừng, và nếu bé yêu muốn tham gia câu chuyện, mẹ cứ để cho bé tự nhiên nhé.
- Khi bé yêu nói điều gì ngộ nghĩnh, mẹ nhớ viết lại và cất kỹ nhé. Một ngày nào đó khi đọc lại những dòng này, mẹ sẽ thấy thật ấm lòng và sung sướng.
- Đọc to cho bé nghe và giới thiệu các loại màu sắc cũng như đồ vật bé có thể chơi cùng.
- Quá trình tắm cho bé cũng có thể kết hợp với việc dạy bé về các đồ vật khác nhau, chẳng hạn như vịt cao su, bong bóng xà phòng.... Ngoài ra hầu hết các bé đều thích văng nước trong khi tắm nhưng cần giám sát trẻ chặt chẽ phòng trường hợp đuối nước
- Theo the bump, đây là thời điểm thích hợp để mẹ bắt đầu lên kế hoạch cho sinh nhật 2 tuổi sắp đến của con.
- Đây cũng là thời điểm hợp lý để giới thiệu các hoạt động vui chơi để giúp trẻ phát triển nhận thức và thể chất.
Điều quan trọng là mỗi ông bố, bà mẹ nhớ dành chút thời gian cho riêng mình mỗi ngày, chỉ cần nửa giờ làm một việc mình yêu thích có thể giúp mẹ thấy khỏe khoắn trở lại. Mẹ có thể đi dạo, đọc sách, tán gẫu với bạn bè qua điện thoại… Tóm lại, mẹ cũng cần tự chăm sóc mình để duy trì sức khỏe của bản thân nhé.
Nếu mẹ còn những câu hỏi về quá trình phát triển của bé trong những năm đầu đời, đừng ngại gửi về Góc chuyên gia Huggies để được các bác sĩ tư vấn thêm.
Tìm hiểu thêm: