Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm thường khởi phát vào mùa đông – xuân. Bệnh có khả năng lây lan cao, đặc biệt là ở thể trạng có sức đề kháng yếu như mẹ bầu và trẻ nhỏ dưới 10 tuổi. Trong bài viết dưới đây, mẹ hãy cùng Huggies tìm hiểu thông tin về nguyên nhân cũng như cách chăm sóc cho bé bị thủy đậu tại nhà an toàn và hiệu quả nhé!
Thủy đậu (trái rạ) ở trẻ em là gì?
- Bệnh thủy đậu (trái rạ) là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây nên. Virus này chủ yếu lây qua đường không khí, qua giọt bắn ra từ người nhiễm bệnh (như ho, hắt hơi, chảy mũi,…); hoặc qua các nốt phỏng vỡ ra, vùng da bị tổn thương của người nhiễm bệnh.
- Việc sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh như: quần áo, khăn mặt, bàn chải đánh răng hay ăn uống chung với người bệnh cũng là một trong những nguyên nhân lây bệnh.
- Trẻ em dưới 10 tuổi là đối tượng dễ nhiễm bệnh và đặc biệt lưu ý, thủy đậu có thể lây qua thai nhi thông qua nhau thai khi mẹ bầu nhiễm bệnh.
Tham khảo: Những điều cần biết về bệnh thủy đậu
Biểu hiện khi trẻ bị thủy đậu
Thủy đậu ở trẻ em thường trải qua 4 giai đoạn với các biểu hiện đặc trưng sau:
- Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 10 – 20 ngày. Ở giai đoạn này, các bé thường không có bầt kỳ biểu hiện nào nên rất khó để nhận biết bệnh.
- Giai đoạn khởi phát: Kéo dài trong khoảng 1 ngày. Ở giai đoạn này, bé có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, có trường hợp sốt cao 39 – 40 độ C. Bé có khả năng co giật, mê sảng, viêm họng, đau đầu, đau cơ, xuất tiết đường hô hấp trên đi kèm với tình trạng sốt. Bé uể oải, lười chơi, vận động và dễ quấy khóc. Một số bé vẫn có thể chưa bộc phát biểu hiện bệnh ở giai đoạn này.
- Giai đoạn toàn phát:
- Bề mặt da bé xuất hiện những ban dát đỏ và chuyển hóa thành nốt phỏng nông nước trong, số lượng trung bình khoảng 100 – 500 nốt. Các nốt ban này thường gây ngứa và mọc rải rác toàn thân bé, nhưng hầu như không xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân.
- Trong 24 – 48 giờ sau, các nốt ban đục, ngả màu vàng, có hình cầu nổi trên mặt da với kích thước khoảng 2mm.
- Ban tiếp tục lan rộng và xuất hiện khoảng 36 – 48 tiếng/đợt. Các lớp ban có thể chồng chéo lên nhau.
- Giai đoạn hồi phục: Trong khoảng từ 7 – 10 ngày phát bệnh, các nốt ban sẽ tự vỡ ra, khô lại, trở thành vảy và tự khỏi hoàn toàn.
Tham khảo: Trẻ bị sốt khi nào thì nguy hiểm?
Bị bệnh thủy đậu khoảng bao lâu thì khỏi?
Sau thời gian ủ bệnh khoảng 10 -21 ngày, trẻ khởi bệnh có thể bị sốt, đau đầu, đau cơ và nổi các ban đỏ, mụn nước trên da thường kéo dài khoảng 5 – 10 ngày, dẫn đến việc phải nghỉ học để tránh tiếp xúc gây lây lan.
Biến chứng nguy hiểm của bệnh thủy đậu ở trẻ em
Mặc dù hầu hết trẻ bị thủy đậu đều có thể tự khỏi sau thời gian phát bệnh. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời và đúng cách, thủy đậu vẫn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng cho bé. Một số biến chứng thường gặp của bệnh như sau:
- Nhiễm trùng, bội nhiễm thứ phát tại các nốt ban: Vì các nốt ban gây ngứa, nên các bé sẽ theo phản xạ tự nhiên là dùng tay gãi, khiến các nốt ban dễ bị vỡ, trầy xước, bong tróc, gây xuất huyết bên trong, dẫn đến nhiễm trùng, mưng mủ, lở loét. Các vết ban này về sau sẽ để lại những vết sẹo sâu khó trị khỏi.
- Viêm não, viêm màng não: Khi bé bị thủy đậu đi kèm với những biểu hiện như: sốt cao, hôn mê sâu, co giật, rối loạn tri giác, rung giật nhãn cầu; mẹ cần cho bé thăm khám ngay tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất vì đây là biến chứng vô cùng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
- Viêm cầu thận cấp: Thủy đậu không chữa trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận, dễ dẫn đến các bệnh lý như: viêm thận, viêm cầu thận cấp với các triệu chứng như tiểu ra máu, suy thận.
- Viêm tai ngoài, tai giữa:Các nốt ban do thủy đậu nếu mọc phát trong tai của bé lúc vỡ có thể gây viêm loét, nhiễm trùng, lở ngứa hoặc sưng tấy chính là tiền đề cho các bệnh lý tai của bé khởi phát.
- Viêm gan: Những biểu hiện thường gặp: buồn nôn, khó tiêu, hệ miễn dịch suy giảm. Đây là biến chứng hiếm xảy ra và không có biểu hiện bệnh rõ ràng.
- Bệnh zona thần kinh: Virus gây bệnh thủy đậu có thể vẫn tồn tại ở rễ dây thần kinh, kể cả khi bé đã khỏi bệnh. Khi hệ thần kinh suy yếu, virus có thể tái hoạt động và gây bệnh zona thần kinh.
Hướng dẫn mẹ cách chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà
Thủy đậu hiện chưa có thuốc đặc trị nhưng bệnh vẫn cần được phát hiện sớm để tránh lây lan và chăm sóc đúng cách. Dưới đây là một số lưu ý hướng dẫn mẹ khi chăm sóc bé bị thủy đậu
- Vệ sinh sạch sẽ: Vệ sinh các nốt ban do thủy đậu của bé để tránh gây nhiễm trùng dẫn đến tình trạng bệnh nặng hơn. Lưu ý dịch trong nốt rạ này có chứa virus nên sẽ lây nhiễm cho người lành khi tiếp xúc.
- Hạn chế tiếp xúc: Cơ chế lây lan của thủy đậu là qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt phỏng nên khi trẻ bị thủy đậu, nên mẹ cần cho bé nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời trong khoảng 7 – 10 ngày kể từ giai đoạn toàn phát hoặc cho đến khi giai đoạn hồi phục, lúc các nốt ban khô vảy hoàn toàn. Mẹ hoặc các thành viên tiếp xúc chăm sóc bé cũng cần đeo khẩu trang để hạn chế tối đa sự lây nhiễm.
- Sử dụng riêng vật dụng sinh hoạt cá nhân: Khăn mặt, bàn chải đánh răng, chén, bát, đũa, cốc, v.v… của bé cần được sử dụng và vệ sinh riêng với các thành viên khác trong gia đình.
- Giữ gìn vệ sinh thân thể: Mẹ tuyệt đối không “kiêng nước, kiêng gió”, thay vào đó nêntắm rửa cho bé bằng nước ấm, sạch, trong thời gian vừa đủ, không quá lâu và thay quần áo hàng ngày. Bên cạnh đó, mẹ nên cắt móng tay cho bé, hoặc dùng bao tay để tránh bé gãi các vết ban gây trầy xước nghiêm trọng.
- Vệ sinh mũi – họng hàng ngày: Mẹ sử dụng dung dịch muối sinh lý 0,9% để vệ sinh vùng mũi – họng của bé hàng ngày để hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn.
- Lựa chọn quần áo phù hợp: Quần áo, bao tay với chất liệu mỏng, nhẹ, dễ thấm hút mồ hôi sẽ phù hợp với bé trong thời gian này. Mẹ cũng nên lưu ý thay trang phục cho bé thường xuyên để tránh tình trạng nhiễm trùng, mẹ nhé.
- Bổ sung dinh dưỡng cần thiết: Thức ăn lỏng hoặc xay nhuyễn với đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp các bé dễ ăn, dễ tiêu, trong trường hợp bé đang mệt. Bên cạnh đó, mẹ cũng đừng quên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, đặc biệt là vitamin C để tăng sức đề kháng cho bé.
- Uống nhiều nước: Giống với các trường hợp nhiễm virus khác, mẹ cần bổ sung đủ nước cho cơ thể bé có thể bài tiết, nâng cao khả năng miễn dịch tự nhiên.
- Chấm thuốc ở các nốt ban: Mẹ có thể dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt ban đã vỡ, làm se nốt và ngừa bội nhiễm vi khuẩn, sát trùng để nốt phỏng nước khô nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh cho hay:
Để điều trị bệnh thủy đậu cho bé, bác sĩ sẽ kê toa thuốc Acyclovir, thuốc dùng càng sớm càng có hiệu quả cao, nhất là trong vòng 24 giờ đầu khởi bệnh. Mẹ cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, mẹ có thể dùng thêm các loại thuốc giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, kháng sinh nếu có bội nhiễm vi trùng ở các bóng nước vỡ. Đặc biệt, mẹ lưu ý không được cho trẻ uống Aspirin, vì có thể gây hội chứng Reye bao gồm các biểu hiện thở nhanh, nôn ói, co giật, rối loạn tri giác...thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Trẻ cần kiêng ăn gì khi bị thủy đậu?
Trẻ bị thuỷ đậu cần tránh ăn những thực phẩm tăng kích ứng trên cơ thể, khiến bệnh lâu khỏi hơn, và khó chữa sẹo thuỷ đậu về sau như:
- Thức ăn gia vị cay nóng: tiêu, gừng, tỏi, ớt, quế...
- Thức ăn nhiều dầu mỡ
- Thức ăn quá bổ dưỡng
- Các loại thịt: thịt dê, thịt chó, thịt gà, thịt ngan, v.v…
- Các loại hải sản trẻ cần kiêng ăn như tôm, cua, cá dễ gây kích ứng
- Trái cây có tính nóng: sầu riêng, mận, vải, nhãn, đào...
Tham khảo: Dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Những lưu ý khi chăm trẻ nhỏ bị thủy đậu
- Không đắp lá, xông hơi: Không nên thực hiện phương pháp này khi chưa tham vấn của các bác sĩ hoặc cơ sở y tế uy tín vì da của trẻ nhỏ cực kỳ nhạy cảm, rất dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.
- Không tự ý thúc đẩy quá trình vỡ ban: Các nốt ban sẽ tự vỡ sau vài ngày. Việc mẹ tác động cơ học như dùng tay nặn, chà xát nhiều có tác hại ngang với việc bé dùng tay gãi. Hậu quả của việc này có thể dẫn đến trường hợp nhiễm trùng, có mủ, để lại sẹo sau này.
- Có thể dùng thuốc hạ sốt: Trường hợp bé sốt cao, mẹ có thể sử dụngthuốc hạ sốt cho bé dưới sự tham vấn ý kiến của dược sĩ bán thuốc tại cơ sở y tế gần nhất.
- Có thể dùng kháng sinh: Trường hợp các nốt ban có dấu hiệu nhiễm trùng, mẹ có thể sử dụng kháng sinh cho bé dưới sự tham vấn ý kiến của dược sĩ bán thuốc tại cơ sở y tế gần nhất.
- Nếu bé cảm thấy khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, đi kèm các biểu hiện co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên các nốt ban mẹ cần đưa bé đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Cách phòng tránh bệnh thuỷ đậu cho trẻ em
Lịch tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi đến 12 tuổi: tiêm 2 mũi cách nhau tối thiểu 3 tháng
- Mũi 1: Lần tiêm đầu tiên lúc 12 tháng tuổi
- Mũi 2: Cách mũi 1 ít nhất 3 tháng hoặc mũi 2 lúc trẻ 4-6 tuổi.
Lịch tiêm cho trẻ từ 13 tuổi trở lên:
- Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1,5 tháng.
Ngoài ra, mẹ cần nên lưu ý một số thông tin khi đưa bé tiêm phòng như:
- Thời điểm: Mẹ nên đưa bé tiêm phòng tối thiểu 1 tháng trước khi bắt đầu mùa cao điểm của dịch (mùa đông - xuân) vì vắc-xin ngừa thủy đậu cần 1 – 2 tuần để phát huy tác dụng kể từ sau khi được đưa vào cơ thể.
- Thời gian: Thời gian miễn dịch (không mắc bệnh) của vắc-xin thủy đậu kéo dài trung bình khoảng 15 năm. Sau khoảng thời gian này, mẹ có thể cho bé tiêm nhắc lại để phòng ngừa thủy đậu hiệu quả hơn.
- Hoãn tiêm: cần lưu ý với bé dưới 12 tháng tuổi, đang bị sốt cao hoặc mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp, bệnh mãn tính đang tiến triển (viêm thận, lao phổi), các bé mới khỏi bệnh nặng, đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe.
- Không tiêm: trong trường hợp các bé dị ứng với vắc-xin hoặc bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, các bé bị nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư, đang hóa trị liệu, tim mạch, suy dinh dưỡng, rối loạn chức năng gan thận có bất thường về máu, có tiền sử co giật, đã tiêm phòng các vacxin sống khác trong vòng 1 tháng gần đây (vắc xin sởi, bại liệt, rubella, quai bị,…).
Chúng ta vừa tìm hiểu qua các phương pháp phòng và chữa bệnh thuỷ đậu cho trẻ. Huggies mến chúc mẹ và bé luôn mạnh khỏe. Nếu có bất kỳ thắc mắc trong quá trình chăm sóc bé, mẹ đừng ngần ngại truy cập vào Góc chuyên gia Huggies để được giải đáp nhé!