Đai tập đi và ghế tập đi là những công cụ hỗ trợ giúp quá trình tập đi của bé diễn ra thuận lợi hơn. Các công cụ này có những điểm mạnh nhưng nó cũng có những điểm yếu nhất định. Vậy có nên sử dụng ghế tập đi và đai tập đi cho bé hay không? Hãy cùng Huggies giải đáp câu hỏi đó thông qua bài viết sau đây!
Đai tập đi
Đai tập đi là dụng cụ tập đi cho bé làm bằng vải. Đai tập đi cho bé gồm đai dưới, đai trên và 2 dây nối. Đai dưới được thiết kế để ôm quanh mông hay ngực, có 2 dây nối phần đai dưới với một đai ngang khác ở trên để bố mẹ cầm và điều khiển tập đi cho con.
Đai tập đi cho bé có ưu điểm là giúp bố mẹ không phải khom lưng xuống để dắt bé đi như bình thường, tập cho bé giữ thăng bằng tốt.
>> Tìm hiểu thêm:
Đai tập đi là công cụ hỗ trợ bé tập đi (Nguồn: Sưu tầm)
Lợi ích của đai tập đi
Đai tập đi là một công cụ còn khá mới đối với nhiều bậc phụ huynh. Ngoài công dụng chính là hỗ trợ trẻ tập đi, chúng còn có những lợi ích khác như:
- Bố mẹ chỉ cần dùng 1 tay để giữ đai tập đi, không cần phải dùng 2 tay như cách truyền thống.
- Đai tập đi giúp trẻ rèn luyện khả năng giữ thăng bằng trong quá trình tập luyện, mà không cần phải bám hay vịn vào các điểm tựa.
- Bố mẹ có thể điều chỉnh dây đai để phù hợp với chiều cao của mình, không cần phải cúi thấp người khi tập đi cho bé.
- Đai tập đi thường được làm bằng các loại vải mềm mại, mang lại cảm giác dễ chịu cho bé.
- So với xe tập đi, đai tập đi có thể dễ dàng vệ sinh và gấp lại gọn gàng, không tốn nhiều diện tích.
Khi nào mẹ nên sử dụng đai tập đi cho bé?
Đai tập đi có nhiều loại phù hợp với từng độ tuổi khác nhau, từ 6 - 24 tháng tuổi. Bố mẹ nên cho bé sử dụng đai tập đi khi bé đã có thể đứng vững và có dấu hiệu muốn bước đi. Mỗi bé sẽ có một hình dáng cơ thể khác nhau, các bậc phụ huynh không nên so sánh con mình với các bé cùng độ tuổi. Nếu cơ thể bé chưa đủ cứng cáp nhưng bố mẹ vẫn cho con sử dụng đai tập đi thì sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Phân loại đai tập đi cho bé
Dựa vào kết cấu và thiết kế của sản phẩm, đai tập đi được chia thành 3 loại cơ bản. Điểm khác nhau giữa 3 loại chủ yếu ở phần đai dưới, còn phần đai trên thì tương tự nhau. Phần đai dưới là phần tiếp xúc trực tiếp với cơ thể trẻ, nên được làm thật chắc chắn, nhưng vẫn mang đến cho bé cảm giác dễ chịu và thoải mái.
Đai tập đi ôm ngực
Loại đai tập đi này có phần quai dưới có như một chiếc áo và vòng qua ôm ngực bé. Ưu điểm của loại đai này đó là cố định bé ở phần thân trên, giúp chân và hông của bé sẽ không bị vướng víu khi di chuyển. Đồng thời, loại đai này sẽ giữ chắc nửa thân trên nên sẽ hỗ trợ cho quá trình tập đi của bé.
Tuy nhiên bố mẹ cần lưu ý khi sử dụng đai tập đi ôm ngực, hãy điều chỉnh dây phù hợp với cơ thể trẻ. Tình trạng siết dây quá chặt sẽ khiến bé bị đau ở nách và không thoải mái khi di chuyển.
Đai tập đi cho bé ôm mông
Đai tập đi ôm mông có kiểu dáng thiết kế tương đồng với chiếc bỉm, phần đai dưới ôm từ mông ra phía trước và có dây để điều chỉnh với phần hông của trẻ. Ưu điểm của loại đai này là có thể giữ thẳng sống lưng của trẻ, đồng thời cũng sẽ hỗ trợ nâng đỡ cơ thể bé.
Tuy nhiên, vì loại đai này chỉ cố định ở phần thân dưới, phần thân trên sẽ không được giữ chắc nên bố mẹ cần chú ý quan sát khi cho bé sử dụng. Bên cạnh đó, vì loại đai này ôm vòng qua mông của bé bao gồm cả bộ phận sinh dục, nên các mẹ cần cẩn thận để tránh làm bé bị đau.
>> Tham khảo: Những hành vi của bé tập đi
Đai tập đi cho bé ôm toàn thân
Đai tập đi ôm toàn thân là sự kết hợp giữa đai ôm ngực và đai ôm mông, loại đai này ôm trọn toàn bộ cơ thể trẻ. Ưu điểm của loại chúng là giúp cố định cả phần bụng, lưng và giữ thẳng cột sống. Khi sử dụng loại đai này là bố mẹ nên cẩn thận, tránh để trẻ bị đau hay trầy xước ở vùng bẹn.
>> Tham khảo: Hỏi đáp về bé tập đi
Đai tập đi ôm toàn thân ôm trọn cơ thể trẻ (Nguồn: Sưu tầm)
Hướng dẫn mẹ sử dụng đai tập đi cho bé đúng cách
Đai tập đi cho bé sử dụng khá đơn giản. Đầu tiên mẹ gắn chặt 2 chốt của 2 đầu dây với phần đai bên dưới. Sau đó tròng đai vào người con rồi điều chỉnh đai hông sao cho thật vừa vặn với cơ thể. Tiếp theo, điều chỉnh chiều dài 2 dây làm sao cho chân con chạm sàn mà đai trên vừa tầm với mẹ, tức là mẹ không cần phải cúi khom người xuống để dắt con.
>> Có thể bạn quan tâm: Sự phát triển tâm lý của bé tập đi
Cách giặt đai tập đi như thế nào?
Đai tập đi được làm hoàn toàn từ vải nên bố mẹ có thể dễ dàng vệ sinh bằng cách giặt bằng tay và nên chọn loại nước giặt lành tính, thân thiện với làn da của trẻ. Mẹ tuyệt đối không giặt khô hay sấy khô đai tập đi, các hóa chất được dùng trong giặt khô có thể sẽ gây hại cho trẻ. Sau khi giặt sạch, mẹ nên phơi đai tập đi trong bóng râm để tránh bị bạc màu.
Bố mẹ có thể dễ dàng vệ sinh đai tập đi cho bé (Nguồn: Sưu tầm)
Ghế tập đi là gì?
Ghế tập đi hay còn gọi là xe tập đi dạng tròn. Loại xe này bao gồm một bộ khung cứng được lắp đặt trên bánh xe, một tấm vải thoáng mát cho bé ngồi và khay nhựa bao bọc xung quanh có gắn đồ chơi. Ghế tập đi thường được dùng cho trẻ em từ 5 đến 15 tháng tuổi.
Ghế tập đi thường được sử dụng cho trẻ từ 5 - 15 tháng tuổi (Nguồn: Sưu tầm)
Hướng dẫn mẹ sử dụng ghế tập đi cho bé
Mẹ chỉ cần đặt bé vào chỗ ghế ngồi và để trẻ tự dùng chân để đẩy, khi đó các bánh xe sẽ tự di chuyển. Nhiều bố mẹ thường dùng ghế tập đi cho bé vì đỡ phải dắt và trông con, trẻ có thể vận động thoải mái bao lâu tùy ý.
So sánh giữa đai tập đi và ghế tập đi cho bé
Điểm tương đồng giữa 2 sản phẩm này là đều giúp quá trình tập đi của bé trở nên dễ dàng hơn, trẻ nhanh biết đi và bố mẹ cũng sẽ tiện lợi hơn. Đai tập đi sẽ giúp cố định cơ thể trẻ, không nghiêng hay lệch người sang một bên, từ đó giúp trẻ rèn luyện sự thăng bằng. Ghế tập đi sẽ có bánh lăn, khi bé di chuyển xe sẽ di chuyển theo, kích thích bé bước tới nhiều hơn.
Bên cạnh những lợi ích, cả 2 công cụ này còn có một số nhược điểm nhất định. Nhiều bậc phụ huynh thường cho trẻ ngồi vào ghế tập đi khi không có thời gian, hoặc đang bận làm một việc gì đó và nghĩ rằng ghế tập đi rất an toàn. Nhưng nếu trẻ đi quá nhanh, ghế tập đi có thể bị lộn nhào và gây ra tổn thương cho trẻ. Đai tập đi cũng tương tự, trẻ rất dễ bị vấp ngã về phía trước. Vậy nên, khi sử dụng các công cụ hỗ trợ bé tập đi, bố mẹ nên chú ý quan sát để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bố mẹ nên cẩn thận khi cho trẻ sử dụng ghế hay đai tập đi (Nguồn: Sưu tầm)
Câu hỏi thường gặp khi sử dụng đai tập đi, ghế tập đi cho bé
Có nên dùng đai và ghế tập đi cho bé?
- Dễ gặp nguy hiểm
Trên thực tế có không ít trẻ bị tai nạn chấn thương liên quan đến ghế tập đi. Chính vì thói quen cho trẻ ngồi trong ghế và tự đi trong nhà, trẻ rất dễ va phải các vật dụng có sắc cạnh như bàn, đầu giường, cửa… Nguy hiểm hơn là khay tròn quanh ghế làm cản tầm nhìn, làm bé rất dễ ngã nếu “mon men” đến gần cầu thang, bậc thềm.
Theo Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), trẻ có thể di chuyển với tốc độ khoảng 1m/giây khi ở trong xe tập đi. Theo các chuyên gia, tốc độ này là quá sức đối với một em bé và có thể dẫn đến mất thăng bằng. Khi trẻ bị mất thăng bằng và té ngã, đầu là cơ quan bị tổn thương nhiều nhất.
Ngoài ra, khi đứng trong ghế tập đi, tầm với của con có thể tăng lên. Do đó, bé sẽ dễ dàng tiếp cận với những vật nguy hiểm vốn nằm ngoài tầm với của mình, chẳng hạn như những vật lớn có thể rơi trúng đầu, các hóa chất độc hại và cả những nơi nguy hiểm như xô/chậu chứa nước hoặc bồn tắm… Do đó, bố mẹ tuyệt đối không nên chủ quan và lơ là nếu để con ngồi ghế tập đi.
- Cản trở sự phát triển của con
Các dụng cụ hỗ trợ bé tập đi không giúp chân bé mạnh hơn mà ngược lại còn tác động sai đến quá trình cảm nhận hông và gối của bé. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài ở vùng chậu, lâu ngày sẽ dẫn đến biến dạng xương, gây ra một số dị tật ở chân như chân vòng kiềng, chân chữ X. Nếu trong trường hợp mẹ phải dùng những dụng cụ này, chỉ nên sử dụng không quá 15 phút mỗi lần và đừng nên để việc tập đi của con phụ thuộc quá nhiều vào các vật dụng hỗ trợ mẹ nhé!
Khi di chuyển bằng ghế tập đi, trẻ thường có xu hướng đứng bằng mũi bàn chân và ngón chân. Điều này vô tình khiến cơ bắp ở chân của con không phát triển đúng cách và bé sẽ không quen với việc đi bằng cả bàn chân. Nghiêm trọng hơn, hệ thần kinh cũng sẽ bị tước mất những thông tin cảm giác cần có để trẻ học đi.
Dạy bé tập đi đúng cách
Các bác sĩ đều khuyến khích bố mẹ nên đặt trẻ lên sàn để trẻ tự lật, ngồi dậy, bò và đứng dậy. Điều này giúp các cơ bắp của trẻ phát triển, tạo tiền đề cho những bước chân vững chãi. Vậy mẹ nên dạy bé tập đi như thế nào mới đúng cách?
Trong khoảng thời gian từ 9 - 10 tháng tuổi, bé có thể bắt đầu tập những bước đi đầu tiên. Lúc này, mẹ có thể cho bé tựa vào thành ghế sofa, tường nhà hoặc vịn vào tay mẹ. Nhằm kích thích sự hứng thú của tập đi của con, bố mẹ hãy đặt một số món đồ chơi yêu thích của trẻ ở một khoảng cách ngắn với bé và cổ vũ bé đi đến để cầm lấy. Chúng sẽ thúc đẩy bé tự tìm cách để đến với những món đồ chơi.
Đầu tiên, mẹ hãy để bé bám vào chân và tự đứng dậy, sau đó mẹ giúp bé gập đầu gối để từ từ ngồi xuống nhằm tránh tổn thương phần mông và xương cột sống.
Khi tập đi cùng bé, mẹ hãy dìu dắt, nâng đỡ bé đi từng bước một, không thúc đẩy hay kéo bé vì như vậy có thể gây trật cổ tay và xương vai. Mẹ nên nâng từ khuỷu tay hay vai hoặc quỳ trước mặt và đỡ con bằng hai tay để giúp bé di chuyển. Khi bé đã đi thành thạo rồi, mẹ có thể dùng tay dắt bé đi. Khi tập đi trong nhà, mẹ không cần phải đi giày cho con bởi việc đi lại bằng chân trần sẽ giúp bé cảm nhận rõ hơn về từng bước đi và học cách tự cân bằng cơ thể.
Nếu con đã đến giai đoạn tập đi và mẹ muốn cho bé dùng dụng cụ hỗ trợ thì có thể cho bé sử dụng thêm đai hoặc ghế tập đi.
Bác sĩ Nguyễn Phước Mỹ Linh nhận xét:
"Việc dùng các dụng cụ tập đi như xe đẩy, đai tập đi, xe đi… là các phương pháp hỗ trợ cho bé có điểm tựa để đứng lên và đi. Với dụng cụ này, trẻ sẽ thấy an tâm, đỡ sợ hơn, sớm làm quen hơn với việc tập thăng bằng. Đi vừa là một khám phá mới mẻ, vừa là 1 thử thách đối với trẻ, khi tập đi mà được hỗ trợ trẻ sẽ sớm đi hơn các bạn khác, do đó, bạn có thể dùng các loại xe tập đi, đai tập đi này nhé! Có điều bác sĩ hoàn toàn không ủng hộ bạn tập đi cho bé bằng xe tập đi cổ điển (xe hình tròn có bánh chạy, cho bé ngồi vào giữa xe tự chống chân đi). Loại xe này sẽ làm cho mẹ cảm tưởng bé tập đi sớm nhưng thực chất bé chỉ chống chân đẩy chứ không phải tập đi, sẽ làm bé tập đi nhưng không vững, bé có xu hướng vịn vào thành xe nên tập thăng bằng không tốt. Bên cạnh đó, tình trạng tai nạn do xe gây ra cũng không ít: bé di chuyển linh hoạt khắp nhà dễ té vào nồi nước, đồ đạc trong nhà đè...gặp không ít ở bệnh viện. Do đó, khi dùng các dụng cụ hỗ trợ ba mẹ cần ở cạnh quan sát và bảo vệ trẻ trong tầm tay mình."
Sử dụng các công cụ như ghế tập đi hay đai tập đi sẽ giúp bé và bố mẹ thuận tiện hơn trong quá trình tập đi, nhưng đồng thời bố mẹ cũng cần cẩn thận và quan sát kỹ càng. Hy vọng với những thông tin mà Huggies cung cấp, bố mẹ sẽ lựa chọn được sản phẩm phù hợp và biết sử dụng đúng cách công cụ đó. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác, hãy truy cập Góc Chuyên gia của Huggies ngay để được giải đáp!
>> Có thể bạn quan tâm: